Cơ sở hạ tầng có thể giúp gì cho Việt Nam trong cuộc chiến ứng phó với biến đổi khí hậu?
Hiện nay, biến đổi khí hậu là một trong những thách thức đương đại lớn nhất. Mặc dù gần như không thể dự đoán chính xác tác động mà biến đổi khí hậu mang lại, các chuyên gia đều nhất trí rằng nếu các xu thế hiện tại vẫn tiếp diễn, hệ quả sẽ vô cùng tàn khốc. Thực tế là nhiệt độ trung bình toàn cầu đang tiếp tục tăng và đã gây ra các hiện tượng thời tiết nghiêm trọng, có sức tàn phá. Hiện tượng băng tan đang góp phần làm tăng mực nước biển, trực tiếp ảnh hưởng đến các cộng đồng dân cư sinh sống ở các khu vực trũng như đồng bằng và các đảo ở vùng nhiệt đới. Cung ứng nước sạch đang ngày càng giảm dần do hạn hán và hiện tượng xâm nhập mặn liên quan đến nước biển dâng. Nhìn chung, các hiện tượng thời tiết cực đoan đang ngày càng diễn ra thường xuyên hơn. Cộng đồng các nhà khoa học quốc tế đã ghi nhận các tác động tiêu cực kể trên và dự đoán trong thời gian tới sẽ còn có thêm nhiều tác động tiêu cực nữa nếu nhiệt độ tiếp tục tăng.
Đất nước và người dân Việt Nam đặc biệt dễ bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu do Việt Nam nằm trong số những quốc gia dễ bị ảnh hưởng nặng nề nhất trên thế giới. Với bờ biển dài hướng về phía biển Đông, phía Bắc nhiều núi, phía Nam là Đồng bằng sông Cửu Long khiến cho Việt Nam trở nên đặc biệt dễ bị tổn thương. Bão, lũ lụt, hạn hán và sạt lở đất diễn ra thường xuyên, gây thiệt hại ước tính 1,5% GDP hàng năm của Việt Nam, gây ảnh hưởng đến hệ sinh thái và sinh kế trên cả nước. Nguồn nước, nông nghiệp, năng lượng, giao thông vận tải, cơ sở hạ tầng, động vật hoang dã và sức khỏe người dân đều bị ảnh hưởng. Vậy chúng ta có thể làm gì để làm chậm, và thậm chí ngăn chặn, một số tác động kể trên?
Mối tương quan giữa cơ sở hạ tầng giao thông vận tải và biến đổi khí hậu
Cơ sở hạ tầng GTVT có mối liên hệ trực tiếp với biến đổi khí hậu theo hai cách:
Thứ nhất, cơ sở hạ tầng GTVT bị ảnh hưởng nghiêm trọng từ các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt cả trước mắt lẫn lâu dài. Tác động trước mắt bao gồm thiệt hại về người, giao thông tê liệt do lũ lụt và sạt lở đất. Tác động lâu dài như tăng chi phí bảo trì, giảm tuổi thọ các tuyến đường, cầu và các hạng mục cơ sở hạ tầng khác, mặc dù ít rõ ràng nhưng cũng gây nhiều bất lợi, đặc biệt là đối với các quốc gia có nguồn ngân sách bảo trì hạn hẹp.
Thứ hai, khi được quy hoạch, thiết kế và triển khai phù hợp, cơ sở hạ tầng GTVT có thể đóng góp đáng kể cho việc giảm thiểu tác động của biên đổi khí hậu và đảm bảo các cộng đồng dân cư và các quốc gia có khả năng chống chịu tốt hơn, được chuẩn bị tốt hơn để đối mặt với những hậu quả tiêu cực của biến đổi khí hậu. Aus4Transport – Chương trình về cơ sở hạ tầng GTVT của DT Global tại Việt Nam, hiện đang đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc hỗ trợ Chính phủ Việt Nam xây dựng “cơ sở hạ tầng phù hợp” – nghĩa là CSHT được thiết kế cẩn trọng, bảo vệ môi trường và có khả năng chống chịu với các điều kiện thời tiết khắc nghiệt của Việt Nam.
Aus4Transport, Chương trình viện trợ không hoàn lại trị giá 30 triệu AUD của Chính phủ Australia thông qua Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia dành cho Chính phủ Việt Nam thông qua Bộ Giao thông vận tải, là Chương trình hỗ trợ các sáng kiến nhằm hỗ trợ Việt Nam trực tiếp và gián tiếp giải quyết các rủi ro khí hậu và phát triển cơ sở hạ tầng GTVT có khả năng chống chịu tốt hơn.
Thông qua hợp phần hỗ trợ các dự án giao thông cấp quốc gia của Chương trình, DFAT hiện đang hỗ trợ Bộ GTVT chuẩn bị các dự án một cách hiệu quả hơn bằng cách cấp vốn cho giai đoạn thiết kế và chuẩn bị dự án, hỗ trợ lập Thiết kế kỹ thuật và chuẩn bị Hồ sơ mời thầu cho hai dự án lớn – Dự án Tăng cường Kết nối giao thông khu vực Tây nguyên (CHCIP) và Dự án Tăng cường kết nối giao thông các tỉnh miền núi phía Bắc (NMPCTP). Cả hai dự án đều chú trọng đảm bảo các tuyến đường nâng cấp được thiết kế có khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu, giảm nguy cơ sạt lở, đồng thời giảm tác động lên môi trường, ví dụ như giảm khí thải và chất thải từ các giải pháp kỹ thuật. Bên cạnh đó, Aus4Transport cũng áp dụng mô hình khí hậu khi thiết kế các tuyến đường và cầu, vận dụng các nghiên cứu khoa học để hiểu đặc thù diễn biến nhiệt độ và thời tiết trong dài hạn. Hiểu được các kịch bản thời tiết có thể xảy ra trong khu vực giúp chúng ta thiết kế được các tuyến đường có khả năng chống chịu với các hiểm họa thời tiết, giúp các tuyến đường trở nên an toàn hơn, giảm chi phí sửa chữa và bảo trì dài hạn và tăng vòng đời tuyến đường.
Thông qua Hợp phần hỗ trợ khai mở cơ hội thông qua đổi mới, DFAT hiện đang hỗ trợ Bộ GTVT tăng cường đáp ứng nhu cầu cụ thể của các đối tượng tham gia giao thông (bao gồm phụ nữ, người khuyết tật và người dân tộc thiểu số) cũng như ưu tiên các vấn đề quan trọng liên quan đến phát triển của ngành GTVT như ATGTĐB và BĐKH.
Aus4Transport hiện đang thực hiện điều này thông qua nghiên cứu, đổi mới, đề xuất cải cách chính sách và tập huấn. Ví dụ như dự án HTKT Chi phí – lợi ích về môi trường- xã hội trong các dự án hạ tầng GTVT (ESIA) tập trung vào nâng cao năng lực nhằm cải thiện công tác đánh giá và quản lý tác động tiềm năng về môi trường và xã hội các dự án đầu tư CSHT của Bộ GTVT. Mục tiêu của dự án là xây dựng ba bộ Tiêu chuẩn cơ sở (TCCS) cho ba chuyên ngành đường bộ, đường sắt và đường thủy nội địa.
TCCS sẽ mô tả rõ ràng, đầy đủ các tiêu chuẩn, quy trình, thủ tục nhằm xác định và đánh giá tác động cũng như xây dựng các biện pháp giảm thiểu tác động của các dự án CSHT đường bộ, đường sắt và đường thủy nội địa. Trong khuôn khổ dự án, tư vấn cũng sẽ xây dựng kế hoạch đào tạo và tiến hành các khóa học chủ động, học có giáo viên hướng dẫn và các hoạt động học ứng dụng cho các cán bộ của Bộ GTVT về các thực hành tốt của ngành. Kết quả đầu ra cuối cùng gồm cả việc hỗ trợ Vụ Môi trường- Bộ GTVT thiết lập bộ phận hỗ trợ giải đáp thắc mắc trong quá trình áp dụng các TCCS vào các dự án CSHT GTVT.
Thông qua quy hoạch hiệu quả cùng với môi trường chính sách công phù hợp có thể xây dựng được “cơ sở hạ tầng phù hợp” nhằm đảm bảo Chương trình đang hỗ trợ cơ sở hạ tầng được thiết kế và vân hành theo hướng lường trước được rủi ro, có sự chuẩn bị và thích ứng tốt với biến đổi khí hậu. Cơ sở hạ tầng phù hợp có thể chống chịu, ứng phó và nhanh chóng phục hồi sau khi bị gián đoạn, thiệt hại do các hiện tượng thời tiết cực đoan gây nên. Những nỗ lực này sẽ giúp tránh thương vong và góp phần phát triển kinh tế xã hội cho các cộng đồng dân cư trực tiếp bị ảnh hưởng và cho cả nước nói chung.