Trồng rừng và bảo vệ rừng: phương tiện để phát triển bền vững
Tại sao rừng lại quan trọng đến vậy?
Nếu như tất cả chúng ta đều hiểu rằng rừng là nơi sinh sống của 80% động thực vật trên cạn của toàn thế giới, nguồn sinh kế của gần 300 triệu người (bao gồm 60 triệu người bản địa), và hiểu được những lợi ích mà rừng mang lại cho con người cũng như những nguy cơ ta phải đối mặt khi sống thiếu rừng, thì chúng ta sẽ hành động khác đi.
Con người dựa vào rừng để sinh tồn, từ nguồn không khí ta hít thở đến nguồn gỗ ta sử dụng. Rừng cung cấp nước, là nguồn sinh kế, giúp giảm thiểu biến đổi khí hậu, chống xói mòn, và đóng vai trò thiết yếu trong sản xuất lương thực bền vững. Khi rừng bị mất đi, không chỉ cây cối mất đi, mà toàn bộ hệ sinh thái cũng dần bị phá vỡ cùng với những hệ lụy trực tiếp mà tất cả chúng ta cùng phải gánh chịu.
Dẫu vậy ta vẫn đang dần đánh mất rừng! Chặt phá rừng và suy thoái rừng vẫn đang ở mức báo động!
Tính đến năm 2020, theo dữ liệu của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO), trong thập kỷ trước, mỗi năm trên toàn thế giới có 4,7 triệu héc-ta rừng bị mất. Tỷ lệ chặt phá rừng thậm chí còn cao hơn vậy với mỗi năm 10 triệu héc-ta rừng bị chặt phá. Phá rừng và suy thoái rừng được coi là hai nguy cơ lớn nhất đối với rừng trên toàn thế giới. Nguyên nhân trực tiếp của nạn phá rừng chủ yếu là do mở rộng nông nghiệp, khai thác gỗ (bao gồm khai thác gỗ làm than củi hoặc chất đốt trong gia đình), và thi công các công trình hạ tầng, ví dụ như các tuyến đường giao thông, các khu đô thị, các dự án xây dựng đập và thủy điện.
Nạn phá rừng ở Việt Nam
Sau khi độ che phủ của rừng giảm mạnh từ 43% xuống còn 27% diện tích đất trong giai đoạn từ 1943 đến 1990, Chính phủ Việt Nam đã liên tục thực hiện các biện pháp quyết liệt hơn và phối hợp các bên để ổn định tình hình. Kết quả thu được là trong giai đoạn từ 2021 đến 2015 diện tích rừng bị phá đã giảm 70% so với giai đoạn 2005 đến 2010, diện tích che phủ của rừng được khôi phục đến cuối năm 2020 đạt 42% toàn lãnh thổ.
Mới đây, Chính phủ đã phê duyệt kế hoạch trồng một tỷ cây xanh trên toàn quốc đến cuối năm 2025. Điều này thể hiện mong muốn và quyết tâm lớn của Chính phủ trong việc bảo vệ và khôi phục rừng, hỗ trợ thực hiện kế hoạch phát triển bền vững dài hạn của Việt Nam.
Tuân thủ quy hoạch phát triển chiến lược của Chính phủ Việt Nam và phù hợp với mục tiêu toàn diện của Chương trình, Aus4Transport đã và đang triển khai hoạt động “Lập kế hoạch trồng rừng tái tạo – Chiến dịch tuyên truyền nâng cao nhận thức về bảo vệ rừng” cho Dự án Tăng cường kết nối giao thông các tỉnh miền núi phía Bắc. Hoạt động này nhằm mục đích giảm thiểu tác động từ việc thực hiện dự án đối với tài nguyên rừng bằng cách đưa ra một kế hoạch trồng rừng tái tạo chi tiết và trồng bù cây trong khu vực dự án nhằm bù đắp các tài nguyên rừng bị ảnh hưởng, đồng thời nâng cao kỹ năng cho các cán bộ ngành GTVT Việt Nam để họ nhận thức được tầm quan trọng của môi trường tự nhiên và đưa việc tuyên truyền nhận thức về môi trường và bảo vệ rừng vào trong các dự án hạ tầng giao thông trong tương lai.
Do đường bộ vẫn là loại hình giao thông chiếm ưu thế tại Việt Nam nên mạng lưới đường bộ có vai trò vô cùng quan trọng đối với sự tăng trường kinh tế, phát triển xã hội, xóa đói giảm nghèo, giảm tình trạng bất bình đẳng và thu hẹp chênh lệch về khả năng tiếp cận các dịch vụ y tế, giao dục tại các khu vực nông thôn hoặc vùng khó tiếp cận.
Tuy nhiên, các nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc thi công các tuyến đường chính là một trong số những nguyên nhân chính đằng sau sự chuyển đổi hệ sinh thái tự nhiên. Một trong những vấn đề chính phát sinh từ việc thi công và cải tạo nâng cấp tuyến, đặc biệt là ở các khu vực miền núi là tình trạng mất đi cây cối và thảm thực vật. Về lâu dài, đây chính là nguyên nhân gây biến đối khí hậu, bạc màu đất, mất mùa, lũ lụt, sạt lở đất, tăng hiệu ứng nhà kính và các khó khăn, thách thức về mặt văn hóa, xã hội đối với cư dân bản địa. Công tác thi công và cải tạo tuyến đường được nhìn nhận là một nhân tố dẫn đến đốn chặt rừng và suy thoái rừng.
Theo định nghĩa của Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế, đốn chặt rừng xảy ra khi rừng được chuyển đổi sang sử dụng cho các mục đích khác. Suy thoái rừng xuất hiện khi hệ sinh thái rừng mất đi khả năng cung cấp các hàng hóa và dịch vụ quan trọng cho con người và cho tự nhiên.
Việt Nam xếp thứ 16 trên thế giới về đa dạng sinh học với nhiều hệ sinh thái và nguồn gen và hiện là quốc gia duy nhất trong khu vực sông Mekong có độ che phủ rừng liên tục tăng trong ba thập kỷ qua. Tuy nhiên, sự đa dạng này đang bị đe dọa do khai thác thiếu bền vững và quản lý khai thác thiếu hiệu quả, và do quá trình trồng rừng tái tạo mất nhiều thời gian, trái ngược với tốc độ tăng trưởng kinh tế, tăng trưởng dân số và tốc độ đô thị hóa nhanh chóng.
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT), chỉ trong vòng 5 năm (2012-2017), diện tích rừng tự nhiên bị mất đi do chuyển đổi mục đích sử dụng trong các dự án được duyệt chiếm 89% tổng diện tích rừng bị sụt giảm; số còn lại, 11% rừng bị mất là do nạn phá rừng trái phép.
“Kế hoạch trồng tái tạo rừng và chiến dịch tuyên truyền nâng cao nhận thức về bảo vệ rừng (PACOFP)” trong khuôn khổ Chương trình Aus4Transport
Aus4Transport là chương trình viện trợ không hoàn lại trị giá 30 triệu AUD của Chính phủ Australia nhằm hỗ trợ phát triển ngành GTVT Việt Nam thông qua việc cấp vốn và hỗ trợ kỹ thuật. Chương trình không chỉ giải quyết các vấn đề kỹ thuật của hạ tầng giao thông mà còn tập trung bảo vệ môi trường và xã hội liên quan đến ngành giao thông.
Nhận thức được mối đe dọa tiềm ẩn đối với tài nguyên thiên nhiên và đa dạng sinh học trong quá trình mở rộng cơ sở hạ tầng giao thông, Aus4Transport đã đề xuất hoạt động “Kế hoạch trồng rừng tái tạo và chiến dịch tuyên truyền nâng cao nhận thức về bảo vệ rừng (PACOFP)” để bổ sung cho công tác Thiết kế chi tiết và chuẩn bị HSMT dự án Tăng cường kết nối giao thông các tỉnh miền núi phía Bắc (NMPTCP) nhằm giải quyết các vấn đề liên quan đến rừng phát sinh trong quá trình thực hiện dự án.
Dự án NMPTCP với tổng mức đầu tư 245 triệu USD nằm trong khuôn khổ hợp tác với Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) và Bộ GTVT. Dự án NMPTCP sẽ nâng cấp hai tuyến đường quốc lộ và hai tuyến tỉnh lộ với tổng chiều dài khoảng 199km, kết nối Lai Châu, Lào Cai và Yên Bái với hành lang kinh tế tiểu vùng Mekong mở rộng GMS.
Theo tổ chức Global Forest Watch, ba tỉnh Lào Cai, Lai Châu và Yên Bái có diện tích rừng tự nhiên đáng kể, chiếm khoàng 50-60% tổng diện tích đất. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, số lượng cây xanh đang sụt giảm đáng báo động, đặc biệt là ở Lào Cai và Lai Châu. Với ước tính khoảng 160.599 héc-ta rừng chuyển đổi bị ảnh hưởng trong quá trình thi công, bao gồm rừng sản xuất, rừng phòng hộ và rừng đặc dụng, rất cần phải thiết kế một Kế hoạch trồng tái tạo rừng riêng cho mỗi tỉnh và đảm bảo các kế hoạch này được triển khai trước và trong quá trình thi công.
Trồng rừng là quá trình gieo hạt hoặc trồng cây tại khu vực không có cây để tạo thành rừng. Đây là quá trình chuyển đổi đất trống hoặc đất canh tác thành rừng. Mục tiêu chính của việc trồng rừng nhằm giảm khí CO2 trong không khí, cải thiện chất lượng đất và nhằm tránh hoặc đảo ngược quá trình sa mạc hóa. Những cánh rừng được trồng thông qua công tác trồng rừng cũng sẽ là môi trường sống cho các loài động thực vật hoang dã bản địa, giúp chắn gió, cải thiện chất lượng đất và cũng có thể giúp cải thiện chất lượng nước.
Hoạt động này được thiết kế nhằm bổ sung cho công tác thiết kế kỹ thuật của Dự án – một hoạt động cũng do Aus4Transport hỗ trợ thực hiện – bằng cách đảm bảo tuân thủ các quy định của Chính phủ và các yêu cầu của ADB về tác động môi trường và quản lý, giảm thiểu các rủi ro môi trường liên quan trong Dự án. Đánh giá tác động môi trường (EIA) về các vấn đề liên quan đến rừng sẽ được rà soát và cập nhật trên cơ sở đánh giá diện tích rừng bị ảnh hưởng ở mỗi tỉnh, là dữ liệu đầu vào cho công tác Thiết kế chi tiết và chuẩn bị HSMT nhằm giảm thiểu tác động tiềm ẩn đối với các tài sản rừng.
Hoạt động này cũng sẽ cải thiện và nâng cao năng lực của các cán bộ ngành GTVT và các bên liên quan để xây dựng và triển khai hiệu quả các kế hoạch trồng tái tạo rừng (RAPs) trong các dự án đầu tư đường bộ trong tương lai và nhằm đảm bảo các dự án giao thông trong tương lai giải quyết một cách đầy đủ các tác động đến tài nguyên rừng và trồng rừng.
Hoạt động này sẽ góp phần giúp đạt được tác động chung của Dự án trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa xã hội và môi trường các tỉnh miền núi phía Bắc thông qua việc cung cấp các tuyến đường bền vững và nhạy cảm với môi trường. Tác động này cũng phù hợp với tầm nhìn dài hạn trong quan hệ đối tác giữa Chính phủ Australia và Chính phủ Việt Nam hướng tới nâng cao tốc độ tăng trưởng kinh tế, xóa đói giảm nghèo và bình đẳng trong mọi lĩnh vực của cuộc sống. Hoạt động RAP-PACOFP sẽ nâng cao kỹ năng cho các chuyên gia GTVT Việt Nam, góp phần đạt được các mục tiêu đề ra trong quy hoạch tổng thể hiện có của Chính phủ về phát triển mạng lưới đường bộ. Trong giai đoạn 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2050, Việt Nam đặt mục tiêu có trên 9.000 km đường cao tốc, kỳ vọng đến năm 2030 sẽ xây dựng xong khoảng 5.000 km. Mục tiêu đầy tham vọng này thể hiện cam kết của Chính phủ trong việc hỗ trợ phù hợp trong phát triển cơ sở hạ tầng để duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế.