Kiểm soát quá tải phương tiện: yếu tố then chốt tăng cường kết nối giao thông và tối ưu hóa tuổi thọ đường bộ
GIỚI THIỆU CHUNG
Tăng cường kết nối giao thông đóng vai trò thiết yếu trong tăng trưởng kinh tế -xã hội, tạo cơ hội cho người dân được tiếp cận các dịch vụ cơ bản như giáo dục, y tế. Đồng thời cũng góp phần mở rộng thương mại khu vực và quốc gia, mang đến cơ hội việc làm và thu hút thêm nguồn vốn đầu tư. Tuy nhiên, có nhiều yếu tố rủi ro tác động tiêu cực đến hệ thống giao thông đường bộ. Tại Việt Nam, quá tải phương tiện đã và đang là vấn đề nổi cộm, dẫn đến đường sá bị xuống cấp và kéo theo các hệ lụy liên quan khác như tai nạn giao thông nghiêm trọng, ô nhiễm không khí, gián đoạn chuỗi hậu cần và đầu tư cơ sở hạ tầng kém hiệu quả.
Aus4Transport, chương trình quan hệ đối tác giữa Chính phủ Úc và Chính phủ Việt Nam trong lĩnh vực GTVT, đang hỗ trợ Bộ GTVT nhằm đảm bảo giải quyết mọi vấn đề liên quan đến kết nối giao thông dưới nhiều góc độ và thông qua các hoạt động đa dạng ở cả hai hợp phần kỹ thuật và phi kỹ thuật.
Là phần bổ sung cho Thiết kế kỹ thuật “Dự án Tăng cường kết nối giao thông các tỉnh miền núi phía Bắc”, Chương trình Aus4Transport cũng bắt đầu triển khai dự án HTKT “Thiết kế Chương trình kiểm soát tải trọng”. Dự án này nhằm giải quyết các vấn đề liên quan đến quá tải phương tiện tại khu vực Dự án triển khai thông qua những biện pháp cụ thể trong việc kiểm soát tải trọng phương tiện và tải trọng cho phép tối đa lên mặt đường. Dự án này sẽ góp phần giảm thiểu các tác động tiêu cực do quá tải phương tiện gây ra như xuống cấp nền đường và cầu, hỗ trợ tăng cường an toàn giao thông, tối ưu tuổi thọ đường, và trên hết là góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội và môi trường trong khu vực.
NỘI DUNG CHI TIẾT…
Trong khi quá tải phương tiện không được nhìn nhận như một yếu tố cơ bản gây gián đoạn vận tải và thiệt hại đáng kể về kinh tế thì các hệ lụy do quá tải phương tiện lại là rất rõ ràng.
Từ góc độ phương tiện, đặc biệt với xe tải, quá tải phương tiện là yếu tố đe dọa đến an toàn giao thông đường bộ và gây ô nhiễm không khí, điều này không chỉ làm giảm tuổi thọ phương tiện mà còn gia tăng các rủi ro tiềm ẩn như xe mất cân bằng, tay lái cứng, khó kiểm soát kịp thời tốc độ trong trường hợp khẩn cấp, dẫn đến khả năng gây tai nạn nguy hiểm đến tính mạng người đi đường. Ngoài ra, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, vận chuyển quá tải làm gia tăng đáng kể mức tiêu thụ nhiên liệu và lượng khí thải carbon.
Từ góc độ kết cấu hạ tầng đường bộ, quá tải phương tiện thường không được đánh giá hoặc không được coi là thiệt hại kinh tế thực sự. Tuy nhiên, nghiên cứu do Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) thực hiện đã nhấn mạnh hiệu quả của việc kiểm soát tải trọng phương tiện sẽ hỗ trợ Việt Nam ngăn chặn thiệt hại tới hàng triệu USD. Người ta ước tính rằng các biện pháp kiểm soát phương tiện hiện tại đã giảm thiệt hại cho Việt Nam khoảng 120 triệu đô la Mỹ.
Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, nhìn chung, việc kiểm soát tải trọng trên các tuyến đường chính sẽ giảm 50% thiệt hại tiềm ẩn so với khi không kiểm soát; và giảm thêm 30% nữa nếu có biện pháp giám sát và cưỡng chế tốt hơn.
Đáng tiếc, mặc dù đã áp dụng các biện pháp siết chặt quản lý các doanh nghiệp vận tải, kiểm soát tải trọng phương tiện trong vài năm trở lại đây, hiện tượng xe tải hoán cải kết cẩu để chở hàng quá tải vẫn ngang nhiên hoạt động ở nhiều tỉnh thành và có xu hướng gia tăng trong thời gian diễn ra đại dịch.
Theo báo cáo của Tổng cục Đường bộ Việt Nam năm 2019, trong tổng số hơn 181.000 xe tải kiểm tra tại các chốt kiểm soát tải trọng, có gần 19.000 xe chở hàng quá tải dẫn đến thu hồi 6.500 giấy phép lái xe và 195 tỷ đồng (khoảng 8,4 triệu đô la Mỹ) tiền phạt.
Rất nhiều tỉnh lộ và quốc lộ ở Việt Nam bị hư hỏng nghiêm trọng ngay từ giai đoạn đầu đưa vào khai thác. Điều này có thể giải thích là do chế độ bảo trì chưa đầy đủ, nhận thức của người điều khiển phương tiện về hậu quả của quá tải phương tiện còn hạn chế, cũng như thiếu các biện pháp kiểm soát hiệu quả, bao gồm trạm kiểm tra, cầu cân không phù hợp và các quy định của Chính phủ có chế tài chưa đủ mạnh. Ngoài ra, sự quản lý yếu kém của chính quyền địa phương cũng là yếu tố dẫn đến việc kiểm soát kém hiệu quả.
Hiểu rõ tầm quan trọng của vấn đề quá tải phương tiện, Chương trình Aus4Transport đã đề nghị tài trợ “Thiết kế Chương trình quản lý tải trọng trục” cho “Dự án tăng cường kết nối giao thông các tỉnh miền núi phía Bắc” tại các tỉnh nghèo miền núi Tây Bắc Việt Nam, đảm bảo các vấn đề này sẽ được xem xét giải quyết. Dự án HTKT này nhằm thiết kế một chương trình kiểm soát toàn diện, được triển khai trước và trong suốt thời gian thi công dự án, nhằm cải thiện kết nối nội vùng với hành lang Tiểu vùng Mekong mở rộng thông qua các tuyến đường an toàn và chất lượng.
Mục tiêu chiến lược và phạm vi công việc của dự án HTKT này không thiết kế một chương trình kiểm soát độc lập, mà đảm bảo tuân thủ các quy định quốc gia, bổ sung cho các giải pháp đang thực thi hiện có để thực hiện trong khu vực dự án, dựa trên nhu cầu và yêu cầu cụ thể từ chính quyền địa phương và các bên liên quan khác. Chương trình sẽ giải quyết các vấn đề quá tải phương tiện bằng cách đề xuất kết hợp thành công giữa các chính sách, thực thi và quy trình kiểm soát tải trọng phương tiện hiệu quả. Chương trình kiểm soát với mục tiêu dài hạn dự kiến sẽ được tiếp nối và áp dụng trong các dự án khác trên cả nước.
Cho đến nay, danh mục cụ thể các hoạt động và dự kiến lịch trình triển khai dự án HTKT đã được Bộ Giao thông Vận tải thông qua. Tiếp theo, sẽ tiến hành hàng loạt các nhiệm vụ, bao gồm rà soát chi tiết các biện pháp và thực tiễn triển khai hiện hành, các hướng dẫn vận hành và khung pháp lý của Việt Nam liên quan đến quá tải phương tiện. Dự án sẽ tiến hành một số khảo sát thực địa tại các tỉnh Lào Cai, Lai Châu và Yên Bái để tham vấn chính quyền địa phương. Dự kiến sẽ tổ chức một hội thảo vào giai đoạn cuối của dự án để thu thập ý kiến phản hồi và nhận xét từ tất cả các bên liên quan trước khi trình bản thiết kế cuối cùng của chương trình.
Chương trình kiểm soát tải trọng trục mới là yếu tố then chốt hỗ trợ tăng cường kết nối mạng lưới giao thông các tỉnh miền núi phía Bắc. Nó sẽ tối ưu hóa việc đầu tư đường bộ và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế khu vực, đóng góp vào mục tiêu chính của Aus4Transport là hỗ trợ phát triển kinh tế – xã hội Việt Nam và xóa đói giảm nghèo.