VNRA – MIS: Cách thức giúp ngành đường sắt Việt Nam về đúng hướng
GIỚI THIỆU CHUNG
Ngành đường sắt đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế Việt Nam, là phương thức vận tải quan trọng đảm bảo vận chuyển hàng hóa hiệu quả và kết nối hành khách trong nước và quốc tế. Do đó, nhận thức được tầm quan trọng cũng như thực trạng kém phát triển của hệ thống đường sắt Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ mới đây đã phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển mạng lưới đường sắt giai đoạn 2021-2030. Quy hoạch tổng thể này kêu gọi tất cả các bên xây dựng một lộ trình đầu tư phù hợp để đáp ứng nhu cầu vận tải ngày càng tăng của Việt Nam.
Phù hợp với chiến lược phát triển của Chính phủ Việt Nam, Aus4Transport – chương trình hỗ trợ kỹ thuật ngành GTVT Việt Nam trị giá 30 triệu AUD của Chính phủ Australia vừa khởi động một hoạt động mới nhằm góp phần phát triển ngành đường sắt Việt Nam. Dự án hỗ trợ kỹ thuật “Xây dựng Hệ thống thông tin quản lý kết cấu hạ tầng đường sắt (VNRA-MIS)” sẽ hỗ trợ Bộ GTVT và Cục Đường sắt Việt Nam phát triển và nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng đường sắt, giúp nhà quản lý dễ dàng sử dụng công nghệ định hướng dữ liệu để hỗ trợ việc vận hành và quản lý hệ thống kết cấu hạ tầng đường sắt trên cả nước. Một lần nữa, Aus4Transport hỗ trợ các ưu tiên chiến lược của Việt Nam và hỗ trợ Việt Nam thúc đẩy phát triển kinh tế và xóa đói giảm nghèo.
NỘI DUNG CHI TIẾT
Với bề dày lịch sử 140 năm đáng tự hào, đường sắt đã từng đóng vai trò quan trọng trong ngành GTVT Việt Nam, chiếm 30% tổng thị phần và đóng góp đáng kể vào tăng trưởng kinh tế – xã hội của đất nước và quốc phòng. Tuy nhiên, với nguồn vốn đầu tư thấp và cơ sở hạ tầng lạc hậu đã khiến ngành đường sắt không thể theo kịp các loại hình vận tải khác. Cụ thể, đến năm 2019, chỉ có 4,7 triệu lượt hành khách đi lại bằng đường sắt, chiếm 0,2% tổng lượng hành khách ngành vận tải. Xem xét lưu lượng hành khách được tính bằng hành khách-km thì ngành đường sắt chỉ chiếm 1% tổng thị phần.
Việt Nam vừa đưa ra một quy hoạch tổng thể đầy tham vọng về phát triển đường sắt đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, theo đó tăng cường vai trò và nâng cao vị thế ngành đường sắt trong mạng lưới giao thông. Mục tiêu đề ra rất rõ ràng: Mạng lưới đường sắt Việt Nam sẽ đáp ứng nhu cầu vận tải 16,5 triệu tấn hàng hóa và 30,9 triệu lượt hành khách vào năm 2030, dự kiến đến năm 2050 các số liệu này sẽ tăng lần lượt 15% và 19%. Để đạt được mục tiêu này,theo kế hoạch, mạng lưới đường sắt sẽ cải tạo bảy (07) tuyến đường sắt hiện hữu với tổng chiều dài 2.440 km và xây dựng mới chín (09) tuyến đường sắt dài 2.363 km.
Để đạt được mục tiêu đầy tham vọng này, ngành GTVT cần vốn đầu tư ước tính khoảng 240.000 tỷ đồng (tương đương 10,45 tỷ USD). Điều này đòi hỏi Chính phủ Việt Nam phải nỗ lực thu hút đầu tư từ nhiều nguồn khác nhau và đảm bảo các biện pháp và thủ tục phù hợp để quản lý hiệu quả.
Dự án HTKT “Xây dựng Hệ thống Thông tin Quản lý kết cấu hạ tầng Đường sắt (VNRA-MIS)” do Aus4Transport phối hợp với Cục Đường sắt Việt Nam thực hiện, sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc chuẩn bị cơ sở vững chắc cho các biện pháp cải tiến chất lượng và quản lý hỗ trợ xây dựng ngành đường sắt có quy mô lớn hơn, đạt hiệu quả cao hơn. Hệ thống thông tin quản lý được nâng cấp và tích hợp sẽ cung cấp đầy đủ dữ liệu – là then chốt cho việc quản lý dài hạn và tối ưu kết cấu hạ tầng đường sắt, tạo thuận lợi cho việc giám sát hiệu quả hoạt động và làm rõ hiện trạng, việc sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia. Hệ thống cũng sẽ cung cấp đầy đủ công cụ để có thể tiến hành phân tích ngành một cách chính xác và nhanh chóng, hỗ trợ hiệu quả cho việc xây dựng quy hoạch tổng thể chất lượng cao trong 10 và 20 năm tới và giúp xây dựng danh mục dự án đầu tư cơ sở hạ tầng đường sắt.
Xây dựng mạng lưới đường sắt hiện đại sẽ giúp tăng cường năng lực hội nhập của nền kinh tế Việt Nam, nâng cao khả năng thị trường và phát triển các hành lang vận tải gắn kết chặt chẽ với các hành lang kinh tế đô thị và nông thôn. Hoạt động này sẽ hỗ trợ đắc lực cho Cục Đường sắt Việt Nam xây dựng một mạng lưới vững mạnh giúp đạt được các mục tiêu thông qua việc đưa lưu lượng vận tải đường sắt dần bắt kịp lưu lượng của các ngành vận tải khác, theo kịp đà tăng trưởng kinh tế và chiến lược phát triển chính phủ điện tử.