Trao đổi kinh nghiệm và bài học đúc kết giữa các bên đối tác trong Hội thảo kết thúc Thiết kế kỹ thuật và Hồ sơ mời thầu “Dự án Tăng cường kết nối giao thông khu vực Tây Nguyên”
GIỚI THIỆU CHUNG
Chương trình Aus4Transport cùng Đơn vị Tư vấn thiết kế và tất cả các đối tác liên quan đã hội kiến trong Hội thảo kết thúc cho Thiết kế kỹ thuật và Hồ sơ mời thầu (DDD) – Dự án Tăng cường kết nối giao thông khu vực Tây Nguyên (CHCIP) vào cuối tháng 7. Sự kiện đánh dấu sự kết thúc thành công nhờ nỗ lực chung của các bên liên quan để hoàn thiện Thiết kế Kỹ thuật chất lượng cao cho Quốc lộ 19, tuyến quốc lộ huyết mạch nối thành phố cảng Quy Nhơn với Campuchia thông qua cửa khẩu Lệ Thanh địa phận tỉnh Gia Lai, tạo cơ hội cho các đại biểu cùng nhau xem xét và đánh giá toàn bộ quá trình thiết kế, bao gồm cả các hợp phần kỹ thuật và phi kỹ thuật.
Hội thảo đã tiến hành hiệu quả, tập trung vào các thách thức và thành công đã trải qua trong quá trình thiết kế nhằm đúc kết các bài học kinh nghiệm sẽ được xem xét trong quá trình lập kế hoạch và triển khai đối với các dự án trong tương lai. Chương trình Aus4Transport tự hào được hợp tác với Bộ GTVT, hỗ trợ phát triển hiệu quả mạng lưới đường bộ, góp phần vào sự phát triển kinh tế – xã hội của Việt Nam.
NỘI DUNG CHI TIẾT…
Aus4Transport, chương trình của Úc hỗ trợ Chính phủ Việt Nam phát triển cơ sở hạ tầng giao thông chất lượng cao, đã ghi nhận thêm dấu mốc quan trọng vào tháng 7, thông qua tổ chức thành công Hội thảo kết thúc Thiết kế và Hồ sơ mời thầu (DDD) Dự án Tăng cường Kết nối khu vực Tây Nguyên (CHCIP) –Bắt đầu từ năm 2019, dự án HTKT đã phải đối mặt với một số thách thức do COVID-19 nhưng nhờ sự hợp tác chặt chẽ giữa các bên đối tác cũng như việc đề xuất và triển khai phương pháp tiếp cận chiến lược thay thế đã tạo điều kiện triển khai thành công DDD. Dự án HTKT đã cung cấp thiết kế kỹ thuật và hồ sơ thầu cho tám gói thầu xây lắp, hiện tất cả đã được phê duyệt và đang trong giai đoạn thi công.
CHCIP là dự án hỗ trợ phát triển quan trọng góp phần phát triển hệ thống đường cao tốc Châu Á thông qua việc nâng cấp 150 km quốc lộ 19 (QL19). Là một phần của hệ thống đường bộ Xuyên Á, QL19 là một trục của các hành lang đường bộ chiến lược trong Tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng (GMS), kết nối Myanmar với khu vực ven biển miền Trung Việt Nam thông qua Thái Lan và Campuchia. Tuyến đường bộ Xuyên Á tạo ra kết nối chính giữa các quốc gia trong tiểu vùng Mê Kông mở rộng, đặc biệt là “tam giác phát triển” Việt Nam – Campuchia – Lào, đồng thời cũng là điểm kết nối quan trọng giữa khu vực Tây Nguyên và các địa phương khu vực miền Trung và Đông Nam Bộ.
CHCIP được đồng tài trợ bởi các khoản vay từ Ngân hàng Thế giới, khoản viện trợ không hoàn lại từ Chính phủ Úc và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam, với tổng vốn đầu tư 156 triệu USD (2.500 tỷ đồng). CHCIP phù hợp với các ưu tiên chiến lược của Việt Nam nhằm thúc đẩy sự thịnh vượng chung và cho phép tăng trưởng toàn diện.
Chương trình Aus4Transport đã hợp tác với Bộ GTVT và Ngân hàng Thế giới trong dự án này thông qua cung cấp kinh phí và hỗ trợ kỹ thuật xây dựng Thiết kế Kỹ thuật và lập hồ sơ mời thầu và các công cụ an toàn môi trường – xã hội cho tất cả tám gói thầu xây lắp. Ưu tiên chính của Dự án là đảm bảo các đoạn đường nâng cấp của QL19 áp dụng các biện pháp thích ứng biến đổi khí hậu và đạt chuẩn ba sao theo tiêu chuẩn an toàn giao thông quốc tế. Cùng với các biện pháp an toàn đường bộ theo tiêu chuẩn của Chương trình Đánh giá Đường bộ Quốc tế (iRAP), dự án cũng xem xét các rủi ro xã hội – kinh tế và xây dựng các kế hoạch môi trường, giới, tái định cư và phát triển dân tộc thiểu số nhằm đảm bảo các nhóm yếu thế được bảo vệ và hưởng lợi bình đẳng từ tuyến đường sau nâng cấp. Những nỗ lực thiết kế của Chương trình Aus4Transport đảm bảo tất cả các khía cạnh kỹ thuật và xã hội của dự án được xem xét một cách toàn diện và thúc đẩy sự thay đổi bền vững lâu dài, nâng cao chất lượng tổng thể của dự án.
Tỉnh Gia Lai có dân số 1,5 triệu người, trong đó khoảng 46% là người dân tộc thiểu số, các dự án giao thông cố gắng đưa các cộng đồng nghèo trong việc lập kế hoạch và thực hiện dự án, cũng như bảo vệ cuộc sống và sinh kế của họ. Trong quá trình giải quyết các hợp phần phi kỹ thuật của dự án, dự án đã thực hiện nhiều cuộc khảo sát và tham vấn các cộng đồng bị ảnh hưởng để nắm bắt và hiểu rõ hơn về nhận thức, mối quan tâm và các nhu cầu ưu tiên của họ. Đồng thời góp phần nâng cao nhận thức về các tác động môi trường và xã hội liên quan đến việc triển khai dự án, đảm bảo các biện pháp giảm thiểu được xây dựng và thiết lập, cung cấp lá chắn bảo vệ cho những người có nguy cơ cao nhất. Các Thiết kế kỹ thuật đã tuân thủ chính sách an toàn xã hội của Ngân hàng Thế giới để đưa ra hệ thống giao thông an toàn và có thể tiếp cận cho tất cả mọi người, bao gồm phụ nữ, người già, thanh niên, các nhóm dễ bị tổn thương và dân tộc thiểu số.
Chương trình Aus4Transport sẽ tiếp tục trợ giúp nâng cao chất lượng mạng lưới cơ sở hạ tầng giao thông của Việt Nam, hỗ trợ phát triển kinh tế xã hội, văn hóa và môi trường, góp phần trực tiếp vào tăng trưởng kinh tế, nỗ lực giảm nghèo và các ưu tiên của Chính phủ Việt Nam.