Nông dân và phụ nữ địa phương đặt nhiều hy vọng vào việc nâng cấp đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai
“Trước đối với phụ nữ thì như ở dân tộc thiểu số điều kiện khó khăn trong gia đình, phụ nữ không có xe để đi. Bây giờ nếu có con đường mới thì giữa vợ và chồng, phụ nữ cũng mua được xe, thuận tiện cho việc đi làm đồng & làm nương và có thể chở thồ hàng đi phục vụ đời sống của nhân dân”. Bà Dương Thị Tiến, một trong những chủ hộ dân bị ảnh hưởng bởi việc thi công nâng cấp con đường cho biết.
Chuyến công tác thực địa gần đây tại Lào Cai cho thấy người dân địa phương rất ủng hộ việc nâng cấp các tỉnh lộ kết nối với đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai, kết nối các tỉnh nghèo ở khu vực Tây Bắc Việt Nam với hành lang kinh tế Tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng.
Kết quả từ các cuộc phỏng vấn được thực hiện trong khuôn khổ hoạt động khảo sát tình hình kinh tế – xã hội cho thấy người dân địa phương, đặc biệt là nông dân và phụ nữ, rất hào hứng đón nhận những cơ hội phát triển kinh tế và xã hội mà con đường sắp tới được nâng cấp sẽ mang lại.
“Nếu dự án kết nối thi công sẽ tạo điều kiện cho nhân dân phát triển giao thương hàng hóa, kinh doanh dịch vụ được mở rộng. Bà con nông dân được thuận lợi về kết nối giao thương hàng hóa và người dân đi lại thuận lợi”.
Dự án kết nối giao thông các tỉnh miền núi phía Bắc – Tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng, trong đó Aus4Transport đang hợp tác với Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) và Bộ Giao thông Vận tải Việt Nam, là một dự án trị giá 245 triệu USD nhằm cải thiện kết nối giao thông tại các tỉnh nghèo khu vực Tây Bắc Việt Nam bằng cách cung cấp cho Lai Châu, Lào Cai và Yên Bái khả năng tiếp cận tốt hơn với hành lang kinh tế Tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng.
Dự án sẽ cải tạo và nâng cấp hai tuyến quốc lộ và hai tỉnh lộ với chiều dài khoảng 199 km, kết nối một số thị trấn và huyện thuộc các tỉnh Lai Châu, Lào Cai và Yên Bái với đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai. Việc cải tạo các đoạn đường này của mạng lưới tỉnh lộ sẽ có tác động trực tiếp đến sinh kế của địa phương, mang lại cơ hội mới về giao thương và tiếp cận tốt hơn tới các cơ sở giáo dục và y tế.
Aus4Transport đang đóng góp vào dự án chung này với khoản tài trợ 4,5 triệu USD cho các dịch vụ tư vấn về tài liệu thiết kế chi tiết, đồng thời cũng sẽ tài trợ cho chương trình nâng cao nhận thức về an toàn giao thông đường bộ, chiến dịch nâng cao nhận thức về HIV/AIDS và buôn bán người và chương trình kiểm soát tải trọng trục.
Dự báo trong quá trình triển khai, dự án có thể gây ra một số rủi ro liên quan đến phát thải khí nhà kính, các mối nguy hại liên quan đến khí hậu hoặc tái định cư không tự nguyện, đặc biệt ảnh hưởng đến các nhóm đối tượng dễ bị tổn thương như đồng bào dân tộc thiểu số, phụ nữ và trẻ em. Để giảm thiểu những rủi ro này và là một phần công việc do Aus4Transport thực hiện trong quá trình xây dựng tài liệu thiết kế chi tiết, các kế hoạch tái định cư, kế hoạch phát triển cho đồng bào dân tộc thiểu số và quản lý môi trường, kế hoạch hành động bình đẳng giới và hòa nhập xã hội đang được xây dựng.
“Đối với người dân tộc thiểu số và đồng bào người Kinh ở đây sống bình đẳng như nhau. Những hộ mất đất sản xuất có thể tạo công ăn việc làm để họ có việc làm, hộ mất đất thổ cư thì tạo nơi ở mới cho người dân bình đẳng như nhau”
Khảo sát kinh tế – xã hội là một yếu tố chính để tìm hiểu hiện trạng về sinh kế và kinh tế – xã hội của người dân bị ảnh hưởng trực tiếp bởi Dự án, đặc biệt là do thu hồi đất không tự nguyện. Bằng cách thu thập những thông tin cụ thể về các hộ gia đình bị ảnh hưởng, khảo sát kinh tế – xã hội là hoạt động rất quan trọng để xây dựng các kế hoạch về cách thức phục hồi sinh kế của các hộ gia đình bị ảnh hưởng một cách tốt nhất và có được những dữ liệu nền phục vụ công tác giám sát tác động của Dự án. Những dữ liệu này cũng rất quan trọng đối với việc giảm thiểu những rủi ro tiềm ẩn có thể phát sinh trong và sau khi thực hiện Dự án như gián đoạn công việc kinh doanh, mất sinh kế và sự lây lan HIV/AIDS hay nạn buôn bán người.
Hoạt động khảo sát kinh tế – xã hội diễn ra từ ngày 15 tháng 1 đến ngày 2 tháng 2 năm 2021 tại các tỉnh Lai Châu, Lào Cai và Yên Bái, Nhóm tư vấn độc lập đã phỏng vấn 1.319 người (khoảng 30%) đại diện cho 4.238 hộ gia đình dự kiến sẽ bị ảnh hưởng bởi việc nâng cấp con đường. Kết quả khảo sát sẽ được phân tích và tập hợp thành cơ sở dữ liệu, giúp cung cấp thông tin cho việc đưa ra các kế hoạch và biện pháp tái định cư, phục hồi sinh kế và phát triển cho đồng bào dân tộc thiểu số. Mục đích là để đảm bảo rằng tất cả các hộ gia đình đều có thể được thụ hưởng những kết quả mà Dự án mang lại.
Những người dân địa phương tham gia khảo sát hầu hết là nông dân và phụ nữ thuộc đồng bào dân tộc thiểu số rất ủng hộ Dự án và bày tỏ sự vui mừng khi được tham vấn ý kiến.
“Tôi cũng qua quá trình khảo sát và mấy cuộc tiếp xúc với nhân dân, đây là các việc làm thực tế, sát với người dân địa phương để bà con trả lời trực tiếp, rất phù hợp với thực tế địa phương”
Các cuộc khảo sát kinh tế – xã hội được thực hiện phù hợp với mục tiêu của Aus4Transport là hỗ trợ Việt Nam cải thiện cơ sở hạ tầng giao thông, đồng thời áp dụng các kinh nghiệm quốc tế tốt nhất về kỹ thuật và xã hội.