Lồng ghép bình đẳng giới & hoà nhập xã hội trong ngành GTVT
Với mong muốn thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, xoá đói & giảm nghèo và đảm bảo phát triển bền vững, Chính phủ Việt Nam đang tập trung mạnh mẽ hơn vào việc đảm bảo các ưu tiên, mục tiêu và chiến lược về bình đẳng giới được biết đến và áp dụng.
Trong ngành giao thông vận tải, Aus4Transport hỗ trợ Bộ GTVT nâng cao hiểu biết về các vấn đề, yêu cầu và lợi ích của bình đẳng giới & hòa nhập xã hội, và để đảm bảo các khái niệm này được áp dụng vào các dự án cơ sở hạ tầng giao thông trên cả nước một cách có hệ thống.
Aus4Transport đang nỗ lực thúc đẩy bình đẳng giới & hòa nhập xã hội tại Việt Nam.
Là một sáng kiến của Chính phủ Úc, Aus4Transport ưu tiên bình đẳng giới & hòa nhập xã hội, coi đây là một nội dung xuyên suốt trong tất cả các hoạt động của Chương trình và là một công cụ đóng góp vào sự phát triển bền vững. Để đạt được sự tăng trưởng một cách toàn diện và thiết lập một xã hội hòa bình, sự chênh lệch giữa phụ nữ & nam giới và giữa các nhóm xã hội cần được phát hiện và giải quyết.
Bộ GTVT cũng thể hiện cam kết mạnh mẽ đối với việc lồng ghép bình đẳng giới & hòa nhập xã hội trong ngành GTVT. Tuy nhiên, việc thiếu dữ liệu về giới ở Việt Nam, và thiếu sự hiểu biết và hướng dẫn rõ ràng dẫn đến các cán bộ của Bộ GTVT, nhà đầu tư, chính quyền địa phương và các Ban QLDA gặp phải sự hạn chế về hiểu biết và khả năng thực hiện các yêu cầu về bình đẳng giới & hòa nhập xã hội trong các dự án giao thông.
Trên cơ sở hợp tác với Bộ GTVT, Aus4Transport đã và đang hỗ trợ nhiều sáng kiến về bình đẳng giới & hòa nhập xã hội trong tất cả các hoạt động của Chương trình.
HỢP PHẦN A – Hỗ trợ các dự án giao thông quốc gia
Những nỗ lực của Aus4Transport đã giúp đảm bảo hai hoạt động kỹ thuật lớn nhất của Chương trình (Dự án tăng cường kết nối giao thông khu vực Tây Nguyên và Dự án kết nối giao thông các tỉnh miền núi phía Bắc) đáp ứng được yêu cầu về giới. Các cuộc khảo sát về giao thông theo giới đã được thực hiện để hiểu rõ hơn sự khác biệt giữa nam và nữ, người bình thường và người khuyết tật, người tham gia giao thông trẻ tuổi cho đến người già về nhu cầu đi lại và sử dụng phương tiện giao thông. Những thông tin này rất quan trọng để hỗ trợ việc xây dựng một thiết kế chi tiết đáp ứng các yêu cầu về bình đẳng giới & hòa nhập xã hội. Ngoài những thông tin khác, những thông tin này đã được sử dụng để tối ưu hóa vị trí của hệ thống chiếu sáng, điểm dừng xe buýt và phần đường dành cho người đi bộ và cũng để sử dụng cho việc thiết kế một chiến dịch nâng cao nhận thức về an toàn giao thông đường bộ.
Chương trình cũng xem xét đến những rủi ro xã hội do các dự án xây dựng gây ra, vì các dự án này thường đòi hỏi lực lượng lao động lớn, tạm thời, trong một số trường hợp có thể dẫn đến gia tăng bạo lực giới. Để hỗ trợ nhà thầu xác định và quản lý được những rủi ro này, Aus4Transport đã xây dựng tài liệu Hướng dẫn về quản lý tác động xã hội của dòng lao động tạm thời liên quan đến dự án Tài liệu bao gồm một loạt các chiến lược nhằm giảm thiểu tác động xã hội, bao gồm cả bạo lực giới. Tài liệu này cũng đưa ra định hướng về cách thiết lập một cơ chế giải quyết thích hợp đối với các khiếu nại về bạo lực giới và cách xây dựng, thực hiện các chính sách và thủ tục phù hợp tại nơi làm việc để ngăn ngừa những rủi ro này.
Trong Dự án kết nối giao thông các tỉnh miền núi phía Bắc, Aus4Transport đã xác định phụ nữ và trẻ em gái là những người dễ bị tổn thương hơn bởi sự lây lan của HIV/AIDS, nạn buôn bán người và tai nạn giao thông đường bộ. Với mục đích giúp nâng cao nhận thức và giảm thiểu rủi ro, Chương trình hiện đang hỗ trợ thiết kế Chiến dịch nâng cao nhận thức về HIV/AIDS và nạn buôn bán người và Chiến dịch nâng cao nhận thức về an toàn giao thông đường bộ để thực hiện trong suốt thời gian thi công công trình của dự án.
HỢP PHẦN B – Mở ra cơ hội thông qua đổi mới sáng tạo
Aus4Transport rất vui mừng về những chuyển biến tích cực trong hoạt động bình đẳng giới & hòa nhập xã hội cụ thể của Chương trình, Nâng cao năng lực về bình đẳng giới & hòa nhập xã hội và Quản lý dự án bền vững trong ngành GTVT. Hoạt động chính này nhằm xây dựng năng lực cho các chuyên gia trong ngành GTVT để lồng ghép các nội dung về bình đẳng giới & hòa nhập xã hội khi chuẩn bị, thiết kế và thực hiện các dự án cơ sở hạ tầng giao thông.
Chương trình đang làm việc trực tiếp với Trường Cán bộ quản lý GTVT để nâng cao nhận thức, tăng cường kỹ năng và tạo động lực cho cán bộ Bộ GTVT giải quyết các vấn đề về bình đẳng giới & hoà nhập xã hội phù hợp với Kế hoạch hành động về bình đẳng giới do Ủy ban quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam xây dựng. Thông qua một loạt các khóa đào tạo do Đại học Công nghệ Queensland tổ chức, hoạt động sẽ đào tạo khoảng 400 học viên tham gia và quan trọng nhất là tạo điều kiện thuận lợi cho việc áp dụng và tích hợp các mô-đun đào tạo vào chương trình đào tạo thường xuyên của Trường Cán bộ quản lý GTVT, cung cấp các công cụ và phương pháp để các cán bộ của Bộ GTVT áp dụng kiến thức và kỹ năng mới tiếp thu được vào các dự án mà họ phụ trách, đảm bảo quản lý dự án bền vững và toàn diện hơn.
Toàn bộ các tài liệu đào tạo đã được hoàn thiện và các giảng viên của Trường Cán bộ quản lý GTVT đã hoàn thành xuất sắc khóa học trực tuyến ngắn hạn giới thiệu các khái niệm về Bình đẳng giới, Người khuyết tật và Hòa nhập xã hội. Dự kiến sẽ tổ chức thêm tám khóa đào tạo nữa từ tháng 3 năm 2021 sau khi nâng cấp các cơ sở đào tạo của Trường Cán bộ quản lý GTVT.