Hỗ trợ Viện Chiến lược và Phát triển GTVT phát triển hệ thống giao thông công cộng dễ tiếp cận hơn
Bạn có biết rằng ở Việt Nam, người khuyết tật chỉ có thể tiếp cận sử dụng được 4% phương tiện giao thông công cộng? Con số thống kê này không bao gồm những người có nhu cầu sử dụng như trẻ em, phụ nữ mang thai, người sử dụng xe đẩy, người già và người mù chữ.
Phương tiện giao thông dễ tiếp cận, giá cả phải chăng và đáng tin cậy cho phép mọi người có được cơ hội thay đổi cuộc sống. Ngày 21 tháng 1 năm 2021, Viện Chiến lược và Phát triển giao thông vận tải (TDSI) phối hợp cùng Aus4Transport đã khởi động một hoạt động mới với trọng tâm tăng cường khả năng tiếp cận hệ thống giao thông.
Hoạt động “Nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ quản lý giao thông vận tải nhằm tăng cường năng lực của hệ thống giao thông tiếp cận phổ quát” sẽ góp phần tạo ra các cơ hội về giáo dục, việc làm, chăm sóc sức khỏe hoặc nhà ở. Đặc biệt, hoạt động này có quan tâm đến các đối tượng thụ hưởng là 6,2 triệu người khuyết tật ở Việt Nam, góp phần vào những nỗ lực mà Chính phủ Việt Nam đã và đang thực hiện nhằm hướng tới một chính phủ có sự hòa nhập hơn và có trách nhiệm hơn đối với xã hội.
Ngày 21 tháng 1 năm 2021, Viện Chiến lược và Phát triển giao thông vận tải (TDSI) phối hợp với Aus4Transport đã tổ chức cuộc họp khởi động một hoạt động mới: Nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ quản lý giao thông vận tải nhằm tăng cường năng lực của hệ thống giao thông tiếp cận phổ quát.
Hoạt động này được thực hiện trong khuôn khổ quan hệ đối tác giữa Đại sứ quán Úc tại Việt Nam và Bộ Giao thông vận tải nhằm tăng cường kiến thức và thực hiện các quy định hiện hành, giới thiệu khái niệm thiết kế phổ quát, thay đổi thái độ và hỗ trợ các cơ quan quản lý ngành giao thông vận tải ở địa phương lập kế hoạch và thiết kế cơ sở hạ tầng giao thông dễ tiếp cận.
Theo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, đến năm 2019 ước tính tỷ lệ tiếp cận của người khuyết tật đối với sân bay là 63%, ga xe lửa là 26%, bến xe khách là 30% và giao thông công cộng là 3,5%. Tỷ lệ tiếp cận thấp nghiêm trọng này khiến một tỷ lệ lớn dân số bị tước mất các cơ hội quan trọng trong giáo dục, việc làm, chăm sóc sức khỏe hoặc nhà ở. Giao thông dễ tiếp cận có thể phá vỡ chu kỳ phụ thuộc và nghèo đói của nhiều người có hoàn cảnh khó khăn và trở thành yếu tố chính để thu hẹp khoảng cách bất bình đẳng xã hội.
Kể từ năm 2010, Chính phủ Việt Nam đã ban hành các luật, nghị định và quy định để đảm bảo người khuyết tật có cơ hội được tiếp cận các dịch vụ. Tuy nhiên trên thực tế, việc thực hiện các quy định mới này còn gặp rất nhiều khó khăn dẫn đến tình trạng đáng báo động về thiếu cơ sở hạ tầng có thể tiếp cận được. Một ví dụ điển hình là theo nghiên cứu do Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển năng lực người khuyết tật (DRD), một tổ chức phi chính phủ về người khuyết tật thực hiện vào năm 2019, chỉ có 78 trong số 1.800 cơ sở hạ tầng công cộng ở Quận 1, 3 và 10 trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh là người khuyết tật có thể tiếp cận được.
Với sự tham gia của các cán bộ quản lý và xã hội dân sự ở địa phương, hoạt động này sẽ đánh giá hiện trạng sử dụng cơ sở hạ tầng giao thông có thể tiếp cận được tại bốn tỉnh / thành phố (Hải Phòng, Huế, Tiền Giang và Cần Thơ). Dựa trên kết quả đánh giá, sẽ tổ chức các khoá tập huấn để đào tạo cho các cán bộ quản lý ở địa phương với hai mục tiêu chính: nâng cao nhận thức về những lợi ích xã hội quan trọng đạt được thông qua thiết kế phổ quát; và tăng cường kiến thức cho cán bộ về cách thức thực hiện các quy định hiện hành để xây dựng một hệ thống giao thông dễ tiếp cận hơn.
Bước cuối cùng của hoạt động này, Chính phủ Úc hợp tác với Bộ Giao thông vận tải thông qua Aus4Transport, sẽ hỗ trợ kỹ thuật và tài chính cho ít nhất 3 dự án cơ sở hạ tầng tại các địa phương được lựa chọn để áp dụng thiết kế phổ quát. Mỗi dự án sẽ được hỗ trợ khoảng 10.000 AUD (6.000 USD).
Bà Nguyễn Thị Phương Hiền và Tiến sĩ Phạm Hoài Chung, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Phát triển GTVT sẽ tham gia điều phối thực hiện hoạt động này.