Giải quyết các quan ngại về tác động môi trường- xã hội trong các dự án hạ tầng giao thông
GIỚI THIỆU CHUNG
Cục Đường thủy nội địa Việt Nam (VIWA) đã có bước tiến lớn trong triển khai dự án HTKT “Lợi ích và chi phí về môi trường và xã hội trong các dự án hạ tầng giao thông (ESIA)”. Sau hơn hai năm tập trung nghiên cứu xây dựng, cùng với sự hỗ trợ chặt chẽ của Aus4Transport, Cục Đường thủy nội địa gần đây đã công bố Bộ Tiêu chuẩn cơ sở (TCCS) nhằm đảm bảo các dự án cơ sở hạ tầng đường thủy nội địa tuân thủ và hỗ trợ đáp ứng các yêu cầu của Chính phủ Việt Nam về môi trường và xã hội. Tương tự, các bộ TCCS của Cục đường sắt Việt Nam và Tổng Cục đường bộ Việt Nam dự kiến sẽ được công bố trong tháng 9/2022.
Ba bộ TCCS của từng chuyên ngành cung cấp các hướng dẫn toàn diện về cách thực hiện đánh giá tác động môi trường và xã hội, đồng thời đảm bảo cân bằng giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường xã hội trong tất cả các dự án cơ sở hạ tầng giao thông ở Việt Nam.
NỘI DUNG CHI TIẾT…
Trước đây, mối quan tâm về hiệu quả vận tải chủ yếu tập trung vào tối ưu hóa tuyến đường, năng lực quy hoạch và hợp tác đối tác. Ngày nay, các ưu tiên đã đổi hướng và tập trung chủ yếu vào cải thiện dịch vụ, giảm chi phí vận hành và giảm thiểu các tác động môi trường và xã hội. Phát triển cơ sở hạ tầng và hệ thống giao thông xanh ngày càng trở thành mục tiêu chiến lược của nhiều quốc gia và là yếu tố then chốt giúp cân bằng hiệu quả kinh tế với các mục tiêu xã hội và môi trường bền vững.
Bảo vệ môi trường tiếp tục là giá trị cốt lõi trong các dự án và chiến lược phát triển của Chính phủ Úc. Chương trình Aus4Transport, sáng kiến cơ sở hạ tầng giao thông của Chính phủ Úc tại Việt Nam đã tích hợp triệt để các giải pháp môi trường trong toàn bộ các dự án HTKT trong khuôn khổ Chương trình. Dự án “Lợi ích và chi phí về môi trường và xã hội trong các dự án hạ tầng giao thông” là một ví dụ cho thấy việc lồng ghép những giải pháp an toàn xã hội là ưu tiên của Chính phủ Úc và Chính phủ Việt Nam. Các bộ TCCS của dự án ESIA cung cấp những hướng dẫn cụ thể về đánh giá các tác động môi trường và xã hội trong các dự án hạ tầng giao thông, đảm bảo các vấn đề sẽ được xem xét và giải quyết trong quá trình triển khai ở tất cả các dự án trong tương lai.
Các bộ TCCS đã đưa các thực hành quốc tế tốt vào phù hợp với bối cảnh Việt Nam, đảm bảo một quy trình hợp lý nhằm tăng hiệu quả và hiệu suất chuẩn bị dự án, đem lại các lợi ích môi trường và xã hội, đồng thời tối ưu hóa lợi ích đầu tư GTVT cho Việt Nam. Các thực hành quốc tế về đánh giá môi trường xã hội được chấp thuận áp dụng trong các dự án của Bộ GTVT chủ yếu tập trung vào:
- Đánh giá và quản lý các rủi ro và tác động đối với môi trường và xã hội
- Sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên, ngăn ngừa và quản lý ô nhiễm
- Sức khỏe và an toàn cộng đồng
- Thu hồi đất, những hạn chế về sử dụng đất và tái định cư không tự nguyện
- Bảo tồn đa dạng sinh học và quản lý bền vững các nguồn tài nguyên sống
- Di sản văn hóa
- Tham gia của các bên liên quan
- Thích ứng với biến đổi khí hậu
Hoàn thiện xây dựng các bộ TCCS là kết quả của những nỗ lực đáng khen ngợi của tất cả các bên đối tác liên quan. Quá trình xây dựng đòi hỏi nhiều hoạt động đa dạng, ví dụ như tiến hành các rà soát đánh giá thực trạng và kiến thức, kỹ năng khảo sát, năng lực các đơn vị liên quan của Bộ GTVT, tổ chức tập huấn cho các chuyên gia môi trường hoạt động trong ngành giao thông, tổ chức hội thảo và biên soạn, chỉnh sửa nhiều lần bản dự thảo trên cơ sở các ý kiến đóng góp nhiều lần.
Việc áp dụng các bộ TCCS của Tổng Cục đường bộ Việt Nam, Cục đường sắt Việt Nam và Cục đường thủy nội địa Việt Nam sẽ đánh dấu một cột mốc quan trọng trong quản lý dự án bền vững ngành GTVT Việt Nam. Các hướng dẫn kỹ thuật này sẽ nâng cao năng lực cho các cán bộ quản lý trong việc xác định và phân tích các rủi ro tiềm ẩn đối với môi trường và các cộng đồng liên quan. Do đó, bộ TCCS có ý nghĩa quan trọng nhằm đưa ra các biện pháp phù hợp để giảm thiểu tác động tiêu cực từ các dự án cơ sở hạ tầng giao thông.
Chương trình Aus4Transport, cùng với Vụ Môi trường Bộ GTVT và các cơ quan quản lý chuyên ngành liên quan, rất tự hào về kết quả của dự án này và mong muốn được thấy các bộ TCCS triển khai thành công trên tất cả các dự án giao thông. Việc hoàn thiện các bộ TCCS đánh dấu mốc quan trọng trong nỗ lực của Chương trình nhằm hỗ trợ Việt Nam đạt được các mục tiêu phát triển bền vững.