Covid-19: Không ai bị bỏ lại phía sau. Xây dựng ngành giao thông toàn diện vì một xã hội Việt Nam công bằng hơn
GIỚI THIỆU CHUNG
Đứng trước các tác động ở mức độ khác nhau của đại dịch Covid-19 lên các nhóm xã hội dễ tổn thương nhất ở Việt Nam, Chương trình Aus4Transport với vai trò nhân tố quan trọng trong Kế hoạch ứng phó Covid-19 của Chính phủ Úc tại Việt Nam đang tiếp tục kiên định việc lồng ghép yếu tố an toàn xã hội trong toàn bộ các hoạt động của Chương trình.
Thông qua hai Hợp phần: Hợp phần A- Hỗ trợ phát triển dự án và Hợp phần B- Khai mở cơ hội theo cách thức đổi mới, Chương trình tiếp tục tập trung vào giải quyết nhu cầu của các nhóm yếu thế và cung cấp hướng dẫn về phương thức tiếp cận và áp dụng dài hạn nhằm tác động tích cực đến hoạt động lồng ghép xã hội và cải thiện sinh kế.
NỘI DUNG CHI TIẾT…
Kể từ khi trường hợp nhiễm Covid-19 đầu tiên được xác nhận ở Trung Quốc vào cuối tháng 12/2019, Việt Nam đã có những bước tiến đáng khâm phục nhằm ngăn chặn sự lây lan của vi rút cũng như đưa ra các giải pháp kinh tế, xã hội hỗ trợ người dân. Những quyết sách có tính chiến lược và quyết liệt của Chính phủ Việt Nam trước đại dịch đã gây ấn tượng mạnh với cộng đồng quốc tế, cứu sống hàng triệu người và đưa người dân nhanh chóng quay trở lại cuộc sống “bình thường mới”.
Mặc dù Việt Nam nhanh chóng kiểm soát được tình thế mỗi đợt bùng phát dịch Covid-19, nền kinh tế của đất nước vẫn bị ảnh hưởng nghiêm trọng, trong đó giao thông vận tải và du lịch là hai trong số những ngành bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Duy trì chiến lược kép, một mặt vừa phòng chống dịch, mặt khác vẫn duy trì nền kinh tế, Việt Nam ghi nhận dưới 6.000 ca nhiễm bệnh và con số tử vong dưới ngưỡng 50 (tính đến thời điểm tháng 6/2021). Đồng thời, chỉ số GDP cả nước vẫn tăng trưởng dương 2,9%, là một thành tính đáng khâm phục trong bối cảnh đại dịch diễn ra trên toàn cầu, tuy nhiên, đây cũng là mức tăng trưởng kinh tế thấp nhất của Việt Nam trong 30 năm qua.
Tuy nhiên, đại dịch cũng bộc lộ rõ sự bất bình đẳng khi nói đến thiệt hại về kinh tế và tiếp cận an sinh xã hội. Covid-19 có ảnh hưởng chênh lệch lên các nhóm yếu thế, bao gồm người nghèo, dân tộc thiểu số, người di cư, lao động thời vụ, người già, trẻ em, phụ nữ và người khuyết tật so với các nhóm khác.
Ví dụ,
- Phụ nữ đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng khi trường học đóng cửa và thiếu các dịch vụ chăm sóc thay thế, chịu nhiều áp lực do quy định của các chuẩn mực văn hóa trong việc chăm sóc các thành viên yếu thế trong gia đình
- Điều đáng lưu tâm là ở Việt Nam có khoảng 22 triệu trẻ em đã bị ảnh hưởng do học tập bị gián đoạn, giảm khả năng tiếp cận các bữa ăn trợ cấp và trong một số trường hợp, phát sinh tình trạng bỏ học.
- Nguy cơ đối mặt với bạo hành giới cũng tăng lên đáng kể, theo báo cáo từ các đường dây nóng, các cuộc gọi yêu cầu hỗ trợ đã tăng 50% trong thời gian giãn cách xã hội.
- Thói quen chăm sóc sức khỏe cũng giảm đi song song với việc tiếp cận các cơ sở y tế bị hạn chế. Đây là mối quan tâm đặc biệt đối với phụ nữ mang thai, trẻ em và người cao tuổi, vì nó có thể làm tăng tỷ lệ tử vong và gia tăng các vấn đề sức khỏe lâu dài ở các nhóm vốn đã dễ bị tổn thương.
Aus4Transport là nhân tố quan trọng trong “Kế hoạch Ứng phó Covid-19 tại Việt Nam” do Chính phủ Úc phát động năm 2020 với mục tiêu hỗ trợ Chính phủ Việt Nam tối đa hóa nỗ lực khắc phục các tác động tiêu cực của đại dịch. Chương trình tiếp tục đảm bảo lồng ghép xã hội xuyên suốt các hoạt động trong Chương trình, đáp ứng nhu cầu của các nhóm dễ bị tổn thương nhất và cung cấp hướng dẫn về phương pháp tiếp cận và ứng dụng dài hạn có tác động tích cực đến hòa nhập xã hội và cải thiện sinh kế.
Hiện Chương trình Aus4Transport đang triển khai một số hoạt động của Hợp phần B góp phần trực tiếp nâng cao nhận thức và năng lực thực hiện các chính sách bảo trợ xã hội của toàn ngành GTVT (xây dựng nhận thức và kỹ năng về Bình đẳng giới và lồng ghép xã hội cho cán bộ của Bộ GTVT, đóng góp vào phát triển mạng lưới giao thông công công tiếp cận phổ quát, thiết kế và triển khai các chiến dịch nâng cao nhận thức An toàn giao thông, cung cấp hướng dẫn kỹ thuật giảm thiểu tác động tiêu cực lên môi trường từ các dự án giao thông, etc…). Bên cạnh đó, hai hoạt động kỹ thuật chính của Chương trình cũng đã áp dụng tích cực các biện pháp lồng ghép nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực lên môi trường và xã hội của các dự án xây dựng giao thông đường bộ, mở rộng lợi ích kinh tế của việc cải thiện khả năng kết nối cho các nhóm yếu thế ở khu vực bị tác động.
Về vấn đề này, như đã xác định trong thỏa thuận giữa Bộ Ngoại giao và Thương mại Úc (DFAT), các Ngân hàng Phát triển Đa phương (ADB và WB) và Chính phủ Việt Nam, áp dụng các thực hành quốc tế tốt trên cơ sở tuân thủ các quy định của Việt Nam, Thiết kế kỹ thuật Dự án Tăng cường kết nối khu vực Tây Nguyên và Dự án kết nối giao thông các tỉnh miền núi phía Bắc, đã và đang cập nhật một số tài liệu quan trọng, như Kế hoạch Quản lý môi trường và xã hội, Kế hoạch hành động giới, Kế hoạch phát triển dân tộc thiểu số, và kế hoạch tái định cư và giải phóng mặt bằng của dự án.
Nhiều nghiên cứu và phân tích xã hội đã được thực hiện nhằm hiểu rõ hơn bản chất của những khó khăn và các hạn chế tiềm ẩn mà các dự án xây dựng giao thông này có thể gây ra cho các nhóm dễ bị tổn thương trong khu vực dự án, đặc biệt chú ý đến phụ nữ, trẻ em, dân tộc thiểu số và những người sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp bởi đền bù đất. Các kế hoạch và chiến lược cập nhật nhằm mục đích đảm bảo tối đa hóa các cơ hội phát triển kinh tế xã hội và mang lại lợi ích cao hơn cho những người bị ảnh hưởng.
Tài liệu tham khảo:
- https://blogs.worldbank.org/eastasiapacific/vietnam-must-boost-new-drivers-growth-avoid-covid-19-economic-trap
- https://www.gso.gov.vn/en/data-and-statistics/2021/01/viet-nam-economy-in-2020-the-growth-of-a-year-with-full-of-bravery/
- https://data.worldbank.org/indicator/NY.GDP.MKTP.KD.ZG?locations=VN
- https://www.reuters.com/article/us-vietnam-economy-gdp-idUSKBN29107M
- https://vietnam.un.org/en/95127-un-assessment-social-and-economic-impact-covid-19-viet-nam