Chuyển đổi số: yêu cầu tất yếu cho tăng trưởng và cho ngành giao thông vận tải
GIỚI THIỆU CHUNG
Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Việt Nam phấn đấu trở thành đơn vị tiên phong trong công cuộc đối mới sáng tạo và chuyển đối số toàn diện. Nhằm đáp ứng nhu cầu tăng cao của ngành GTVT cũng như các mục tiêu phát triển chiến lược của đất nước về phát triển thịnh vượng kinh tế-xã hội, Bộ GTVT đã và đang có những nỗ lực đáng kể trong việc triển khai và phát triển hệ thống số hóa tiên tiến. Việc sử dụng rộng rãi dữ liệu số giữa các bộ phận và đối tác liên quan sẽ tối ưu hóa các hoạt động quản lý, cho phép ra quyết định minh bạch và được cập nhật kịp thời, góp phần phát triển mạng lưới cơ sở hạ tầng giao thông hiện đại và hiệu quả.
Bộ Ngoại giao và Thương Mại Úc (DFAT) thông qua Chương trình Aus4Transport đã và đang tài trợ ba dự án cụ thể để hỗ trợ Bộ GTVT trong quá trình số hóa phù hợp với Chương trình Chính phủ số của Việt Nam. Aus4Transport hợp tác cùng Bộ GTVT, Cục Đường sắt và Cục Đường thủy nội địa xây dựng các nền tảng web mở cho phép Bộ GTVT, các ban ngành và đối tác liên quan thu thập và quản lý các dữ liệu về hạ tầng giao thông cùng với các dự án đầu tư một cách dễ dàng hơn, hiệu quả hơn, hỗ trợ cho việc quản lý và vận hành cũng như thu hút thêm nguồn đầu tư từ các nhà đầu tư trong nước và quốc tế.
Dự án “Hệ thống quản lý đầu tư xây dựng ngành GTVT (TPMIS)” do Aus4Transport và Cục quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông (TCQM) trực thuộc Bộ GTVT đồng quản lý đang tiến gần đến hoàn thành giai đoạn phát triển và thử nghiệm thí điểm hệ thống, trong khi hai dự án còn lại “Hệ thống thông tin quản lý tích hợp hỗ trợ cải thiện giao thông đường thủy nội địa (IW-MIS)” và “Xây dựng Hệ thống thông tin quản lý kết cấu hạ tầng đường sắt (VNRA-MIS)” vừa được phê duyệt cuối năm 2021, đang trong giai đoạn triển khai đầu. Cả ba dự án đều đạt được tiến độ đáng ghi nhận mặc cho những thách thức và trở ngại do các biện pháp hạn chế Covid-19.
NỘI DUNG CHI TIẾT…
Cùng với sự phát triển vượt bậc của khoa học và công nghệ, chuyển đổi số trở thành yêu cầu gần như bắt buộc trong tất cả các lĩnh vực, đóng vai trò quan trọng và là động lực chính cho sự phát triển của bất kỳ quốc gia nào. Những ảnh hưởng và tiềm năng lâu dài của thế giới kỹ thuật số ngày càng được khẳng định đặc biệt trong hai năm qua. Khi đại dịch Covid-19 làm thế giới đảo lộn, cùng với việc áp dụng phong tỏa và những biện pháp hạn chế nghiêm ngặt ở tất cả các quốc gia, kéo theo việc đóng cửa, gián đoạn trong giáo dục đào tạo, các ngành dịch vụ, giao thông và vận chuyển hàng hóa, hạn chế khả năng tiếp cận các dịch vụ y tế, việc chuyển đối kỹ thuật số đã trở thành cứu cánh, một vấn đề sống còn để duy trì “cuộc sống bình thường” cho con người, doanh nghiệp, các ngành công nghiệp và các chính phủ trên toàn thế giới. Internet trở thành trụ sở làm việc, sàn giao dịch và trong một số trường hợp là phòng khám bệnh trên toàn cầu. Chuyển đổi số là cách duy nhất để tiếp tục duy trì các hoạt động sản xuất, kinh doanh và các hoạt động sinh kế.
Chính phủ Việt Nam nhận thức đầy đủ về vai trò quan trọng của chuyển đổi số đối với tăng trưởng kinh tế – xã hội và đặt ra những mục tiêu rõ ràng, đầy tham vọng để phát triển chính phủ số và nền kinh tế số. Giao thông vận tải là một trong tám ngành được xác định ưu tiên chuyển đối số giai đoạn 2020-2025. Thực hiện chiến lược Chính phủ điện tử của Chính phủ, Bộ GTVT cần tập trung phát triển hệ thống kỹ thuật để quản lý dữ liệu hạ tầng giao thông cho toàn ngành, bao gồm cơ sở dữ liệu về cơ sở hạ tầng, người điều khiển phương tiện, phương tiện và các đơn vị cung ứng dịch vụ vận tải.
Chương trình Aus4Transport, một sáng kiến được tài trợ bởi Chính phủ Úc thông qua Bộ Ngoại giao và Thương mại Úc (DFAT), tự hào được hỗ trợ ngành GTVT Việt Nam triển khai các mục tiêu này thông qua ba dự án cụ thể hợp tác với Bộ GTVT và hai Cục quản lý chuyên ngành: Cục Đường sắt Việt Nam (VNRA) và Cục Đường thủy nội địa Việt Nam (VIWA). Ba dự án xây dựng hệ thống quản lý thông tin trực tuyến sử dụng ứng dụng web để tạo điều kiện thuận lợi cho việc quản lý, vận hành và lập kế hoạch hiệu quả trong toàn ngành GTVT, phù hợp với quy hoạch chiến lược và các quy định của Chính phủ Việt Nam.
Dự án “Hệ thống quản lý đầu tư xây dựng ngành GTVT (TPMIS) đang xây dựng một nền tảng cung cấp cơ sở dữ liệu toàn diện và hệ thống quản lý trực tuyến tất cả các dự án phát triển hạ tầng giao thông, cho phép nắm bắt được các thông tin liên quan cần thiết cho hoạt động vận hành quản lý hiệu quả, đảm bảo cho lãnh đạo Bộ GTVT có thông tin kịp thời và chính xác, hỗ trợ việc đưa ra quyết định tốt hơn. Hệ thống thông tin kỹ thuật số mới này sẽ tạo điều kiện kết nối giữa các Bộ ngành, cho phép việc triển khai và đánh giá các dự án đầu tư, cung cấp chức năng phân tích, hỗ trợ lãnh đạo Bộ GTVT dễ dàng theo dõi hiệu quả hoạt động và rút ra các bài học kinh nghiệm từ các dự án trước đó, từ đó có tác động tích cực tới việc cải thiện cơ sở hạ tầng giao thông ở Việt Nam.
Dự án TPMIS đang tiến gần đến giai đoạn hoàn thành và dự kiến sẽ sớm được phê duyệt. Tiếp theo bước phát triển phiên bản Beta vào tháng 5 năm ngoài, đơn vị tư vấn phát triển phần mềm đã phối hợp chặt chẽ với Cục Quản lý chất lượng xây dựng và công trình giao thông (TCQM) từ tháng 7 đến tháng 11 để tiến hành thử nghiệm với bốn Ban quản lý dự án (PMU) – Đường Hồ Chí Minh, Đường thủy, Hàng hải, Ban Quản lý dự án 7 và Sở GTVT tỉnh Ninh Bình. Điều này đòi hỏi những nỗ lực đáng kể của tất cả các bên liên quan do quá trình chạy thử nghiệm phải thực hiện từ xa vì các biện pháp hạn chế Covid-19. Tuy nhiên, cùng với việc nới lỏng các biện pháp kiểm soát đại dịch từ cuối tháng 11 năm ngoái, dự án đã đẩy nhanh tiến độ hoạt động và TPMIS đã sẵn sàng chờ phê duyệt và đưa vào khai thác. Việc áp dụng TPMIS sẽ là một dấu mốc quan trọng cho Bộ GTVT, dẫn đến những thay đổi cơ bản về phương thức quản lý.
Trong khi dự án TPMIS chủ yếu tập trung vào cấp quản lý nhằm nâng cao hiệu quả quản lý dự án giao thông của tất cả các chuyên ngành và thu hút đầu tư, thì “Hệ thống thông tin quản lý tích hợp hỗ trợ cải thiện giao thông đường thủy nội địa (IW-MIS)” tập trung vào việc phát triển một nền tảng trực tuyến sử dụng ứng dụng web cho phép Cục Đường thủy nội địa Việt Nam số hóa và giám sát một số hoạt động hiện có của mình. Hệ thống thông tin quản lý được chia thành bốn nhóm: Văn phòng điện tử, Vận hành và bảo trì cơ sở hạ tầng, Quản lý đội tàu và thuyền viên, Quản lý cảng, bến. Hệ thống thông tin quản lý thống nhất và tích hợp này sẽ hỗ trợ đưa ra các quyết định trên cơ sở dữ liệu, hỗ trợ lập kế hoạch chiến lược và cải thiện hoạt động bảo trì, quản lý tài sản của Cục Đường thủy nội địa Việt Nam
Dự án IW-MIS mới đang ở giai đoạn triển khai ban đầu, tất cả các bên đang xem xét mở rộng dự án bao gồm nâng cấp cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin của VIWA, chuẩn hóa việc thu thập dữ liệu, mở rộng dự án thử nghiệm để đảm bảo khả năng ứng dụng và tính bền vững của hệ thống IW-MIS mới được phát triển. Việc mở rộng quy mô dự án ban đầu được đề xuất thực hiện như một dự án bổ sung tận dụng nguồn vốn kết dư từ Chương trình Aus4Transport hiện đang chờ phê duyệt tại Cuộc họp sắp tới của Ban Chỉ đạo Chương trình.
Dự án thứ ba, “Xây dựng hệ thống thông tin quản lý hạ tầng đường sắt (VNRA-MIS)”, hỗ trợ quá trình chuyển đối số của Bộ GTVT thông qua hỗ trợ Bộ GTVT và Cục Đường sắt Việt Nam phát triển và nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng đường sắt, cho phép cơ quản quản lý dễ dàng ứng dụng công nghệ phân tích dữ liệu, tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận hành và quản lý cơ sở hạ tầng đường sắt trong cả nước. Được phê duyệt vào quý cuối năm 2021 nên thời gian thực hiện dự án hạn chế chỉ còn 12 tháng phải triển khai xây dựng toàn bộ hệ thống. Ngay từ khi bắt đầu triển khai, Aus4Transport đã hợp tác chặt chẽ với Cục đường sắt Việt Nam và hai bên đã cùng thể hiện cam kết mạnh mẽ đưa dự án VNRA-MIS thành hiện thực, thông qua việc hoàn thành kịp thời các nhiệm vụ theo kế hoạch triển khai đã thống nhất.
Đầu tháng 2/2022, Cục Đường sắt Việt Nam đã phê duyệt Thiết kế Tổng quan và tiếp theo luôn là phát hành hồ sơ mời thầu tới các đơn vị tư vấn phát triển phần mềm, dự kiến bắt đầu triển khai xây dựng phần mềm vào tháng 4/2022. Hiện hai bên đang phối hợp xem xét khả năng mở rộng phạm vi dự án để đảm bảo việc áp dụng rộng hơn và tính bền vững của hệ thống quản lý thông tin mới được phát triển này.
Tóm lại, cả ba dự án đều cho thấy rõ ràng chuyển đổi số không chỉ là ứng dụng công nghệ mà còn là cải tiến cách thức vận hành, khi công nghệ, phương pháp và mô hình tổ chức mới có thể vượt qua thách thức và khơi dậy sức sáng tạo. Chuyển đổi số là một quá trình phục vụ mục tiêu dài hạn và đòi hỏi sự nhận thức, cam kết, hợp tác tích cực của mọi người dùng, cũng như của xã hội nói chung. Bằng cách hỗ trợ việc phát triển ba nền tảng này, Aus4Transport một lần nữa hỗ trợ các ưu tiên chiến lược của Việt Nam trong tăng cường đầu tư lĩnh vực cơ sở hạ tầng giao thông Việt Nam, tiến tới một mạng lưới giao thông quốc gia được cải thiện nhằm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế và xóa giảm đói nghèo.