Cơ sở hạ tầng bền vững: con đường dành cho Việt Nam
GIỚI THIỆU CHUNG
Dù không thể phủ nhận vai trò quan trọng của Giao thông vận tải đối với sự phát triển kinh tế – xã hội của bất kỳ quốc gia nào nhưng chúng ta cũng phải thừa nhận rằng GTVT cũng có tác động không nhỏ đến môi trường. Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới, Giao thông vận tải chiếm khoảng 64% lượng tiêu thụ xăng dầu toàn cầu, 27% năng lượng sử dụng và 23% khí thải carbon do tiêu dùng năng lượng trên thế giới.
Làm thế nào để ta có thể thay đổi theo hướng phát triển bền vững hơn cơ sở hạ tầng? Làm thế nào để cải thiện được tuổi thọ và dịch vụ của cơ sở hạ tầng về lâu dài mà không ảnh hưởng đến tốc độ thiết kế và thi công? Không may là, không có một cơ chế chung nào được thiết lập để chia sẻ những kiến thức tích lũy được từ các góc tiếp cận khác nhau về giảm thiểu tác động môi trường xã hội giữa các cộng đồng hay giữa các chuyên ngành. Cũng không có một “khuôn mẫu mặc định” hay “khuôn mẫu tối ưu” chung để tuân theo. Điều rõ ràng duy nhất chính là con đường hướng tới cơ sở hạ tầng giao thông bền vững cần phải được xây dựng xoay quanh bốn yếu tố cơ bản: môi trường, nhân sinh, thể chế, và phát triển kinh tế. Nói cách khác, cơ sở hạ tầng giao thông cần thích nghi với biến đổi khí hậu, mang tính hòa nhập xã hội, thân thiện với môi trường, ứng dụng công nghệ tiên tiến, được thúc đẩy và hỗ trợ bởi Chính phủ, linh hoạt và hiệu quả.
Chương trình Aus4Transport, một sáng kiến của Chính phủ Úc nhằm hỗ trợ phát triển ngành giao thông vận tải của Việt Nam, hiện đang hỗ trợ Chính phủ Việt Nam xem xét và giải quyết tốt hơn các tác động xã hội và môi trường trước, trong và sau quá trình thực hiện dự án. Cụ thể, thông qua dự án “Đánh giá Lợi ích – chi phí về Môi trường và Xã hội trong các Dự án hạ tầng Giao thông (ESIA)”, Chương trình đang xây dựng ba bộ Tiêu chuẩn ngành (TCCS) cho ba chuyên ngành giao thông vận tải: đường bộ, đường thủy nội địa và đường sắt, trong đó sẽ đưa ra các công cụ và quy trình đánh giá để hướng dẫn đánh giá hiệu quả tác động của các dự án đối với hệ sinh thái, môi trường và con người. Dự án đang trong giai đoạn kết thúc và sắp được hoàn thiện nhờ sự nỗ lực không ngừng và cam kết mạnh mẽ của tất cả các bên liên quan.
NỘI DUNG CHI TIẾT…
Không giống như nhiều ngành công nghiệp khác đang giảm dần lượng khí thải thông qua việc áp dụng các biện pháp có chủ ý, ngành giao thông vận tải toàn cầu đang tiếp tục được báo cáo là có mức tăng đáng báo động, tương đương 0.8% tấn carbon dioxide mỗi năm.
Ví dụ ở Việt Nam, phát thải CO2 từ giao thông hàng năm khoảng 30 triệu tấn, trong đó vận tải đường bộ chiếm 85%, vận tải đường thủy nội địa và ven biển chiếm 10%, vận tải hàng không 5% (theo Báo Tài nguyên và Môi trường, 2019). Những con số này được dự đoán sẽ tăng nhanh do sự phát triển và mở rộng của mạng lưới giao thông sẽ khiến đất nước đứng trước nhiều nguy cơ cao hơn về tác động môi trường, đặc biệt là ô nhiễm không khí, dẫn đến biến đổi khí hậu và gia tăng tần suất thiên tai. Tuy nhiên, một thiết kế phù hợp có thể giúp giảm thiểu những tác động tiêu cực đó và ngăn ngừa những hiểm họa thiên nhiên có thể dự báo trước.
Do đó, ưu tiên hàng đầu của ngành giao thông vận tải là xây dựng các quy trình hỗ trợ ngành nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu và giảm nhẹ thiên tai. Việc cân bằng lợi ích của các dự án cơ sở hạ tầng lớn so với chi phí về môi trường và xã hội là vô cùng quan trọng và đòi hỏi phải có khung Đánh giá tác động môi trường và xã hội (ESIA) cụ thể nhằm đảm bảo việc xem xét và quản lý toàn diện các tác động môi trường trước, trong và sau thi công.
Trong khuôn khổ của Chương trình Aus4Transport và tuân thủ các quy định của Việt Nam, dự án ESIA sẽ đưa ra các quy trình và hướng dẫn cụ thể thông qua ba bộ Tiêu chuẩn ngành (TCCS). Các TCCS này hỗ trợ giai đoạn chuẩn bị và phê duyệt dự án đạt hiệu quả hơn, tối ưu hóa đầu tư và mang lại các lợi ích quan trọng về môi trường và xã hội cho Việt Nam.
Việc Tổng Cục Đường bộ Việt Nam (DRVN), Cục Đường sắt Việt Nam (VNRA) và Cục Đường thủy nội địa Việt Nam (VIWA) áp dụng các bộ TCCS này sẽ nâng cao năng lực quản lý của ngành trong việc phân tích, dự báo rủi ro môi trường một cách hiệu quả và chính xác, từ đó đưa ra các biện pháp hữu hiệu nhằm bảo vệ môi trường và xã hội.
Về lâu dài, các bộ TCCS sẽ hỗ trợ các cán bộ kỹ thuật và chuyên gia tham gia các dự án phát triển giao thông vận tải tiếp cận với những kiến thức tiên tiến và áp dụng các thông lệ quốc tế tốt nhất phù hợp với các quy định hiện hành liên quan của Việt Nam, thúc đẩy họ tiến hành đánh giác tác động môi trường và xã hội một cách toàn diện, có hệ thống và hiệu quả hơn. Đồng thời, cũng sẽ hỗ trợ lãnh đạo Bộ GTVT tiếp cận và sử dụng các kết quả đánh giá này để đưa ra các quyết định sáng suốt và nhất quán, bảo vệ quan điểm của mình với các cơ quan trung ương và các nhà đầu tư tư nhân.
Do ảnh hưởng của các biện pháp hạn chế của Covid-19 áp dụng tại Việt Nam trong vài tháng cuối năm 2021, dự án đã phải đối mặt với nhiều thách thức và không tránh khỏi chậm tiến độ thực hiện, chủ yếu là phải hủy một số cuộc họp trực tiếp hoặc các chuyến khảo sát thực địa. Tuy nhiên, nhờ nỗ lực của tất cả các bên đối tác liên quan và các chuyên gia tư vấn, dự án này đang tiến gần đến giai đoạn hoàn thiện.
Dự thảo TCCS về đánh giá tác động môi trường cho từng chuyên ngành đã được chỉnh sửa và trình Cục Đường sắt Việt Nam, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam trong tháng Giêng và dự kiến trình Tổng Cục Đường bộ Việt Nam vào đầu tháng Ba. Tất cả các bộ TCCS dự kiến sẽ sớm được chính thức phê duyệt và công bố rộng rãi. Sau đó, phiên bản cuối cùng của các TCCS sẽ được phân phối cho tất cả các đơn vị quản lý cơ sở hạ tầng giao thông liên quan để áp dụng và triển khai.
Aus4Transport cùng với Vụ Môi trường và các cơ quan quản lý liên quan đã thể hiện cam kết cho sự thành công của Dự án này và rất hào hứng mong đợi khi các TCCS mới này được áp dụng và triển khai trên tất cả các dự án giao thông. Dự án này là một yếu tố quan trọng trong Chương trình hỗ trợ ngành giao thông vận tải Việt Nam của Aus4Transport, giúp Chính phủ Việt Nam đạt được các mục tiêu đặt ra và đưa Việt Nam tiến gần hơn đến các mục tiêu Phát triển Bền vững.