Các đối tác của chương trình Aus4Transport lựa chọn chủ đề Bình đẳng giới cho chiến dịch “Lựa chọn thách thức #ChooseToChallenge”
GIỚI THIỆU CHUNG
Bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ là những chủ đề cơ bản khi đề cập đến xây dựng một xã hội công bằng và phát triển kinh tế bền vững. Vì lẽ đó, Aus4Transport đảm bảo toàn bộ các hoạt động của Chương trình đều hướng tới thực hiện lồng ghép bình đẳng giới và hòa nhập xã hội, thúc đẩy vai trò lãnh đạo của phụ nữ trong lĩnh vực giao thông vận tải ở Việt Nam.
Với các nỗ lực không ngừng trong thúc đẩy Bình đẳng giới và Hòa nhập xã hội, Aus4Transport, với sự hỗ trợ của các đối tác đã tham gia chiến dịch “Lựa chọn thách thức #ChooseToChallenge” nhân ngày Quốc tế phụ nữ, giơ cao tay đấu tranh với Bất bình đẳng giới và định kiến giới.
Chúng tôi, các thành viên của Aus4Transport cùng với các đối tác tận tâm của Chương trình đã cùng nhau truyền tải thông tin tới cộng đồng về cách mỗi cá nhân thực hiện thúc đẩy bình đẳng giới trong cuộc sống riêng cũng như trong công việc. Mục đích của chiến dịch này nhằm khuyến khích nhiều người cam kết xây dựng một xã hội toàn diện và hạnh phúc hơn. Chiến dịch đã thành công tốt đẹp!
Chương trình Aus4Transport gửi lời cám ơn tới những người đã tham gia chiến dịch với tất cả những cam kết và đóng góp của họ.
-
Ông Nguyễn Anh Dũng, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch và Đầu tư Bộ Giao thông vận tải,
-
Bà Cao Thị Lan, Ban Quản lý Dự án 2,
-
Ông Lê Minh Đạo, Phó Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa Việt Nam
-
Bà Dolores Viloria, Chuyên gia về Bình đẳng giới và Hòa nhập Xã hội trong hai dự án lớn nhất của Aus4Transport
-
Ông Phạm Hoài Chung, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Phát triển GTVT
-
Bà Trần Thị Kim Đăng, Giảng viên Bộ môn Đường bộ, Trường Đại học Giao thông Vận tải Hà Nội
-
Ông Vũ Thanh Phương, Phó Hiệu trưởng Trường Cán bộ quản lý Giao thông vận tải
-
Bà Trần Thị Thanh Thúy, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế Bộ Giao thông vận tải
-
Bà Stefanie Stallmeister, Quyền Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam và khu vực Đông Á Thái Bình Dương
-
Ông Andrew Barnes, Phó Đại sứ , Đại sứ quán Úc tại Việt Nam
-
Tư vấn quản lý Chương trình Aus4Transport – Nhóm tư vấn của Công ty DT Global tại Hà Nội
Các cuộc phỏng vấn đã xoay quanh một số chủ đề thú vị, đưa ra cái nhìn tổng quan về hiện trạng cũng như những quan điểm về vai trò giới ở Việt Nam theo cách nhìn nhận của phái nam và phái nữ, đặc biệt trong lĩnh vực giao thông vận tải.
Làm thế nào để một cuộc sống cân bằng hơn có thể mang lại những cơ hội tốt hơn cho phụ nữ Việt Nam trong tương lai? Vì sao phái nữ lại phải đối mặt với nhiều khó khăn đặc biệt khi nắm giữ các vị trí lãnh đạo cao? Bạn có biết rằng 8/10 nạn nhân của nạn buôn bán người ở Việt Nam là phụ nữ và trẻ em gái từ các vùng dân tộc thiểu số? Liệu phụ nữ Việt Nam có được chia sẻ quyền lợi, trách nhiệm và quyền đưa ra quyết định một cách bình đẳng với bạn đời của mình không? Bình đẳng giới đã đóng góp vào sự phát triển kinh tế của đất nước như thế nào? Có nên chăng hay có thể nào các thế hệ phụ nữ Việt tương lai có cách nghĩ khác về cuộc sống gia đình của họ?
Số liệu cho thấy chỉ số Bình đẳng giới ở Việt Nam nhìn chung là đáng khích lệ, đặc biệt khi so sánh với các quốc gia khác trong khu vực Đông Nam Á. Ví dụ, hơn 70% phụ nữ trong độ tuổi lao động ở Việt Nam tham gia lực lượng lao động, so với mức trung bình 44% ở khu vực Châu Á và Thái Bình Dương. Tuy nhiên, ở các vị trí có quyền đưa ra quyết định thì phụ nữ chiếm tỷ lệ thấp, dù chiếm hơn một nửa lực lượng lao động cả nước, chưa đến ¼ trong số họ đảm nhận các vai trò tổng quản lý. Từ các câu chuyện do các khách mời tham gia chiến dịch này chia sẻ, cả hai phái nam và nữ đều khẳng định vẫn còn nhiều điểm cần cải thiện khi đề cập đến Bình đẳng giới ở Việt Nam.
Việt Nam đang từng bước đưa ra một số điều chỉnh về luật pháp, đặt ra các mục tiêu trung và dài hạn đảm bảo tăng cường bình đẳng giới và gia tăng tỷ lệ ra quyết định ở nữ giới. Chính phủ Úc cùng với Chính phủ Việt Nam cũng đang cùng hợp tác giảm khoảng cách về giới trong bộ máy lãnh đạo và trong lĩnh vực GTVT. Aus4Transport tự hào được đóng góp một phần trong các nỗ lực này và trong việc hỗ trợ đưa các quy định cũng như khuôn khổ pháp lý vào những kết quả thực tiễn.
Mặc dù nhìn chung việc thúc đẩy quyền bình đẳng và hòa nhập xã hội phụ thuộc chủ yếu vào những thay đổi lớn về chính sách, nhưng đây cũng không phải là yếu tố duy nhất. Tuy rằng các quy định và điều luật thích hợp sẽ có giá trị nhất định thúc đẩy sự biến chuyển tích cực, chúng ta cũng không nên đánh giá thấp sức mạnh của từng cá nhân, sức mạnh mà cùng với nhau chúng ta có thể tạo ra các tác động và thúc đẩy thay đổi vì một thế giới công bằng, bền vững và bình đẳng hơn.
Bạn có bao giờ tự hỏi bằng những hành động nào để mỗi ngày bạn có thể góp phần thúc đẩy Bình đẳng giới? Nếu chưa thì đây là thời điểm thích hợp để suy nghĩ về vấn đề này cũng như biến các ý tưởng thành hành động cụ thể.